
TP.HCM phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành (điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) thực hiện tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng. Dựa vào thông tin hàng ngày của tất cả F0 và F1 trên kho dữ liệu chung, mạng lưới sẽ phân chia các trường hợp này cho bác sĩ để chủ động liên hệ sàng lọc tình trạng bệnh, phân loại mức nguy cơ, từ 0 đến 4, nhưng vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh. Bên cạnh đó, người dân TP.HCM có thể gọi 1022 – nhấn phím 3 để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe về COVID-19.
Nhằm hỗ trợ các quận, huyện chở bệnh nhân COVID-19 đến các nơi điều trị, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp Công ty cổ phần xe khách Phương Trang hoán cải 15 xe khách thành xe vận chuyển người bệnh COVID-19. Các xe sẽ được trang bị thêm thiết bị y tế cần thiết, đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch như tạo ngăn cách giữa khoang tài xế và khoang người bệnh, gắn bình oxy để người bệnh sử dụng trong quá trình vận chuyển, có nơi ngồi và băng ca chuyển người bệnh, trang bị đầy đủ khẩu trang và dụng cụ phòng hộ cho tài xế, nhân viên y tế, người bệnh.
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực, trong đó một phần là nhờ vào sự chung tay, đồng hành của người dân thông qua các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh. Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, mở rộng vùng xanh, mỗi người dân hãy tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người.

Trong ngày 2-8 có gần 538.490 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 6.959.200 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 6.246.330 liều, tiêm mũi 2 là trên 712.860 liều.
Đây là ngày Việt Nam tiêm chủng được nhiều nhất từ khi triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (tháng 3-2021). Nếu tiêm đạt từ 500.000 mũi/ngày trở lên, cuối năm 2021 Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Theo HCDC